Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng

Ngày 12-6-2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ 86,86% đại biểu tán thành. Luật đã được chuẩn bị  công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019.
Vì sao phải ban hành Luật An ninh mạng?
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức, tác động sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng như ban hành chiến lược, chính sách, trong đó có xây dựng văn bản về an ninh mạng. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.
Đất nước ta đang đứng trước những nguy cơ như không gian mạng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố; sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ; internet có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội…Do đó, yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Một số nội dung quan trọng của Luật An ninh mạng
Về Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, tại Điều 3, Luật quy định: Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng….
Về những hành vi bị cấm trên không gian mạng, tại Điều 8, Luật quy định chi tiết 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tại Chương III, Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, Điều 16 của Chương III quy định thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; bao gồm việc “Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự”; thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm: “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại một số khoản được nêu tại Điều 16, phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật quy định doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Hiện nay, dữ liệu của nước ta trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí đã bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Điều 26 của Luật quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có hoạt động thu nhập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Luật An ninh mạng ban hành có lợi ích gì?
Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia như quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; những hệ thống thông tin quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải… Các tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường không gian mạng sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa cac yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật An ninh mạng không có những quy định, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của tổ chức, cá nhân.
 Luật An ninh mạng giúp phòng, chống các hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử. Đồng thời, Luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng không gian mạng để kích động lôi kéo tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự…; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân.

Trích từ Thông tin tuyên truyền tháng 07/2018 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.