Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài

Hoạt động công ty

Ẩm Thực Hoa Kỳ, Nguồn Gốc và Phát Triển

Cội nguồn của Ẩm thực Hoa Kỳ
Thật không dễ dàng để tìm ra nguồn gốc ẩm thực của một quốc gia bởi vì đất nươc nào cũng có nhiều ảnh hưởng và cội nguồn. Thực phẩm truyền thống của Hoa Kỳ rất đa dạng về nguồn gốc và qua bài viết này, chúng ta sẽ được tìm hiểu rõ hơn về lịch sử ẩm thực Hoa Kỳ, từ thời kỳ của những người bản địa, thời kỳ thuộc địa và sự tiến hóa của ẩm thực do các cộng đồng người nhập cư mang đến.
Cội nguồn bản địa
Khó có thể tìm được một vùng nào của nước Mỹ mà không có những ảnh hưởng ẩm thực từ các bộ tộc Thổ dân. Người thổ dân bản địa Mỹ là tập hợp những bộ lạc du mục săn bắn, hái lượm trên khắp nước Mỹ từ trước thế kỷ 17. Họ sống theo hình thức du canh-du cư nên chế độ ăn uống thay đổi rất đa dạng. Tuy nhiên, nhiều món ăn quốc hồn quốc túy của Mỹ có nguồn gốc từ đây. Những thực phẩm căn bản của ẩm thực thổ dân bản địa Hoa Kỳ bao gồm bắp, đậu và bí. Về đạm, người bản địa Hoa Kỳ chủ yếu ăn thịt nai, hươu, bò rừng, thỏ.
Vị trí địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chế độ ăn uống của người thổ dân Châu Mỹ do họ lệ thuộc vào khu vực họ đang sinh sống. Cụ thể, các bộ lạc tại khu vực miền Nam thường không gặp sông hồ nhiều nên họ không ăn cá hoặc các loại thủy sản.
Kế đó, chúng ta phải tìm hiểu thêm về cách nấu ăn của người bản địa bởi vì những phương pháp này đã ảnh hưởng đến cách nấu ăn của người Mỹ ngày nay. Người Mỹ thích thực phẩm chiên, và đây cũng là ảnh hưởng của cách người bản địa xưa chế biến thực phẩm.
Người thổ dân bản địa xưa không làm gốm và thường nung nóng đá tảng và chế biến thức ăn trên những tảng đá nóng hổi như nướng thịt và rau. Một số bộ tộc khác có khả năng xây lò đất để làm bánh mì hoặc nấu những món ăn phức tạp hơn.
Thời kỳ thuộc địa
Khi người Anh đến với lục địa Bắc Mỹ, họ bắt đầu trồng trọt những loại thực phẩm họ từng ăn ở Anh. Tuy nhiên do thiếu nguyên liệu nên những món ăn họ nấu không giống hoàn toàn với thực phẩm châu Âu truyền thống.
Ngoài việc tiếp tục nấu các thực phẩm truyền thống của Anh, những người mở đât này cũng sử dụng những nguyên liệu từ nhiều vùng miền của Châu Mỹ, tạo nên sự giao thoa ẩm thực Anh-Mỹ đầu tiên.
Cụ thể, lúa mì là một loại ngũ cốc đặc biệt quan trọng trong chế độ ăn uống của người Anh do là nguyên liệu chính trong sản xuất bánh mì. Nhưng lúa mì lại rất khó trồng tại Châu Mỹ và lúc bấy giờ nhập khẩu vẫn chưa được xem là hình thức kinh tế bền vững. Thế nên người Anh ở Châu Mỹ đã thay lúa mì và bột mì bằng bắp và bột bắp.
Ngoài ra ẩm thực khu vực Bắc Mỹ lúc này cũng có nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Pháp và các quốc gia khác, tạo nên sự đa dạng rộng khắp các vùng miền. Thời tiết và khí hậu luôn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nguyên liệu, thực phẩm và cách thức nấu nướng trong thời kỳ thuộc địa tại Bắc Mỹ.
Vào đầu thời Thuộc địa, rượu bia tương đối hiếm do người dân chưa tìm được cách sản xuất nguyên liệu đại trà. Loại rượu đầu tiên được phổ biến tại vùng trung tâm các thuộc địa là whiskey do người dân thuộc địa trồng được lúa mạch đen và bắp, 2 nguyên liệu chính để nấu loại rượu này.
Trong thời kỳ này đã có sự phân hóa về tính đa dạng ẩm thực giữa miền Bắc và Nam của các thuộc địa Bắc Mỹ, tạo tác động không nhỏ cho sự phát triển ẩm thực truyền thống của Hoa Kỳ sau này.
Thời kỳ hậu thuộc địa
Những thập kỷ đầu tiên sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập đã chứng kiến nhiều cột mốc trong sự tiến hóa của văn hóa ẩm thực Hoa Kỳ. Trong suốt thế kỷ 18 và 19, người dân Mỹ đã phát triển thêm nhiều loại thức ăn khác nhau. Những món ăn truyền thống đã ngày càng trở nên phổ biến khắp các tầng lớp nhân dân Hoa Kỳ nhưng không du nhập ra các nước khác, ví dụ như bơ đậu phộng và các món chiên ngập dầu.
Tuy nhiên, một số món ăn của Mỹ đã được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, như bắp rang, bánh mì kẹp hamburger, bánh pancake, hotdogs, coca-cola, gà chiên bột, bánh mì ngô, bánh muffín và nhiều loại bánh ngọt khác.
Trong thế kỷ 19, nhà vườn Hoa Kỳ phổ biến khắp quốc gia. Mỗi gia đình đều sở hữu đất đai và tự sản xuất thực phẩm, chỉ mua những phụ gia đại trà như muối, cà-phê, đường và bột nổi.
Táo đã trở thành loại quả phổ biến nhất nước Mỹ vào giai đoạn này, cùng với các sản phẩm như giấm táo, nước táo lên men, bánh táo. Những thức ăn thường gặp ở một trang trại gia đình Mỹ bao gồm bắp, cà chua hầm, gà chiên, đậu và củ dền luộc, bánh xếp, đậu que hầm, thịt heo chiên, khoai tây và xà lách bắp cải trộn.
Vào đầu thế kỷ 20, thịt heo đã trở thành món căn bản của ẩm thực đồng quê khắp miền Nam và Trung Tây Hoa Kỳ. Cũng trong giai đoạn này, với cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra, những thực phẩm đặc sản vùng miền bắt đầu được phổ biến khắp các tiểu bang nhờ hệ thống hạ tầng giao thông tiên tiến và chi phí sản xuất thấp. Cũng nhờ vậy mà những món ăn địa phương dần trở thành quốc hồn quốc túy.
Cộng đồng nhập cư và ảnh hưởng ẩm thực
Thực phẩm quốc tế bắt đầu được du nhập vào Hoa Kỳ sau chiến tranh Thế giới lần I, với thực phẩm Mexico và Italia. Với việc thế giới ngày càng kết nối, thực phẩm cũng dần đa dạng hóa theo. Ẩm thực Hoa Kỳ ngày càng có nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Quốc, Châu Phi, Hy Lạp, Do Thái và nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới.
Khi Hoa Kỳ trở thành cường quốc, nhiều người mong muốn được đến nước Mỹ để hiện thực hóa “Giấc mơ Mỹ”. Khi đã đặt chân xuống nước Mỹ, cách nhanh nhất để có thu nhập ổn định đối với nhiều người là mở một nhà hàng bán thực phẩm truyền thống của họ. Đây cũng là lý do vì sao Thành phố New York là thành phố đa dạng về ẩm thực nhất nước Mỹ, do rất nhiều người di cư đến đây để mở quán ăn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Thành phố này trở thành kinh đô ẩm thực quốc tế như ngày nay. Các du khách luôn có thể tìm được ẩm thực Châu Phi, Mỹ Latin, Ả-Rập, Châu Á cùng nhiều hình thức thực phẩm đa dạng như thuần chay, không gluten, không bơ sữa và nhiều hơn thế nữa.
Ngày nay, làn sóng người nhập cư vào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục mang đến nhiều hơn nữa những sự cải tiến và giao thoa giữa nhiều nền ẩm thực với nhau như ẩm thực kết hợp Mexico-Hàn Quốc, Pháp-Italia hoặc Trung Quốc – Châu Phi, tạo nên một bức tranh nhiếu sắc màu, thiên biến vạn hóa.
Quốc Huy

Các bài viết khác

Lượt xem: 45