Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài

Hoạt động công ty

Trích hồi ký của Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhân dịp Kỷ niệm 71 năm thành lập Ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2016)

SỐ 1 TÔN THẤT ĐÀM – TỔNG HÀNH DINH CỦA NGOẠI GIAO VIỆT NAM QUA CÁC CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Nguyễn Dy Niên
Nguyên UVTW Đảng
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao vào năm 1954

          Ngày 10/10/1954, Hà Nội hoàn toàn giải phóng, đơn vị cuối cùng của lính Pháp rút qua cầu Long Biên về phía Gia Lâm. Tướng Vương Thừa Vũ, Bác sĩ Trần Duy Hưng cùng Ủy ban Quân chính và Sư đoàn Quân Tiên phong đã nhanh chóng tiếp quản Thủ đô, ổn định tình hình. Chỉ vài ngày sau, đoàn cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao chúng tôi từ Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Thủ đô kháng chiến của Việt Nam, tiến về tiếp quản ngôi dinh thự số 1 Tôn Thất Đàm, vốn là Sở Tài chính thời Pháp thuộc. Từ những ngày tháng Mười lịch sử ấy, tòa nhà màu vàng bên ngã năm cạnh Quảng trường Ba Đình trở thành trụ sở của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
           Đó là những năm tháng không thể nào quên. Đoàn chúng tôi đi trên ba chiếc xe Monotova (xe vận tải do Liên Xô sản xuất) khởi hành từ Đại Từ lúc 9 giờ sáng nhưng mãi tới hơn 6 giờ chiều hôm đó mới đến cầu Long Biên. Lòng tôi bồi hồi xúc động khi đi qua cây cầu chứng nhân lịch sử ấy. Bên dưới, dòng sông Hồng cuộn chảy như cuốn đi tất cả rác rưởi của chế độ thực dân, trả lại sự tinh khiết của một Hà Nội – Thăng Long linh thiêng và cổ kính. Hà Nội lung linh trong ánh điện cứ mỗi lúc một gần lại, gần lại cho đến khi chúng tôi thực sự như chạm vào cửa ô, hoàn tất giấc mơ cháy bỏng của những thanh niên dấn thân vào kháng chiến mong ngày về Thủ đô. Chúng tôi háo hức khi xe đi qua những con phố đầy trầm tích của thời gian, những Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Do không biết đường, lái xe đưa chúng tôi về Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ số 1 Ngô Quyền hiện nay), cũng là một dinh thự quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao quản lý. Ngày hôm sau, có người dẫn đường thông thạo Hà Nội, chúng tôi đến được số 1 Tôn Thất Đàm. Khi đến nơi, số cán bộ lưu dung (những người làm việc cho Pháp tình nguyện ở lại tiếp tục làm việc cho chế độ mới) đã tề tựu ở cổng chính đón tiếp chúng tôi. Sau đó họ hướng dẫn chúng tôi vào tiếp nhận từng phòng của dinh thự to đẹp này. Từ núi rừng Việt Bắc về, trong đoàn chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng trước cơ ngơi to đẹp của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có lẽ lúc ấy không ai có thể mường tượng được rằng, số 1 Tôn Thất Đàm sẽ trở thành chứng nhân lịch sử, ghi dấu và chứng kiến tất cả những chặng đường lịch sử đầy gian khó, thử thách và vinh quang của Ngoại giao Việt Nam, từ những ngày đầu miền Bắc xây dựng XHCN, mở rộng quan hệ đối ngoại, đến cục diện đánh – đàm và Hiệp định Paris lịch sử, từ những năm kiến quốc, rồi phá thế bao vây cấm vận đến ngoại giao thời mở cửa, đa phương hóa – đa dạng hóa, cho đến ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ngày hôm nay.
           Trở lại với những ngày tháng Mười năm ấy, tôi vẫn nhớ rõ, mặt trước của trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm cách đây 60 năm cũng vẫn như bây giờ. Từ tường rào thấp rất mỹ thuật đến các chi tiết hoa văn trên những bức tường màu vôi vàng, chiếc cổng sắt lớn mở vào sảnh vẫn như xưa, hàng cây long não già nua nhưng lúc nào cũng xanh tươi rì rào trong gió. Tôi vẫn giữ mãi ấn tượng khi ngước nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc trụ sở Bộ lúc ấy. Trời Hà Nội tháng Mười xanh trong, những mái ngói đỏ, tường vàng, cửa gỗ nâu và thấp thoáng tán lá cây xanh rợp. Những đường nét khắc họa có lẽ sống mãi trong tâm khảm những cán bộ ngoại giao lúc ấy và nhiều thế hệ sau này. Chỉ có cảnh quan phía sau Bộ có nhiều thay đổi. Khi chúng tôi vào, sau Bộ là khoảnh đất trống với giao thông hào và dây thép gai bao quanh như chứng tích và dấu vết của chiến tranh. Nhưng không lâu sau đó, chính quyền thành phố đã mau chóng giúp đỡ dọn dẹp, trả lại khuôn viên thanh bình cho tòa nhà cổ kính này.
           Những ngày đầu sau khi hòa bình lập lại, số người sống và làm việc tại trụ sở này chỉ dưới 30 người. Lúc đó, ngôi nhà phía trước và tầng 2 ngôi nhà sau được bố trí là nơi làm việc, tầng 3 ngôi nhà sau làm chỗ ở cho cán bộ công nhân viên, còn tầng hầm của ngôi nhà trước là garage ô tô được biến thành nhà ăn tập thể. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, số cán bộ công nhân viên đã tăng lên 50 rồi trên 100 nên không thể vừa ở vừa làm việc ở đây được nữa. Chính phủ quyết định cho Bộ Ngoại giao một số biệt thự ở số 6, 7 Chu văn An, 40 Trần Phú, 56-58 Nguyễn Thái Học v.v… làm nhà ở cho cán bộ nhân viên. Từ đó dinh thự số 1 Tôn Thất Đàm chỉ để làm việc.
           Là một trong những người đầu tiên vào tiếp quản trụ sở Bộ Ngoại giao tháng 10 năm 1954, tôi cũng là người gắn bó với ngôi nhà này hơn nửa thế kỷ, chứng kiến những khoảnh khắc giao thời lịch sử, từ kết thúc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ phá thế bao vây cấm vận đến mở cửa, từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Tôi đã chứng kiến và có nhiều kỷ niệm sâu sắc ở số 1 Tôn Thất Đàm. Có thể nói một cách hình tượng đây là nơi chôn rau cắt rốn của nhiều thế hệ ngoại giao Việt Nam. Nhiều đồng chí đã vĩnh viễn ra đi, một số ít đồng chí lão thành vẫn còn sống từ ngày ấy, các lớp cao niên, trung niên và lớp trẻ lần lượt vào để tiếp nối truyền thống ngoại giao cách mạng Việt Nam – ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
           Tôi vẫn nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi Bác Hồ đến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao thời kì đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1961-1963). Bác ngồi ngay bậc cầu thang sảnh giữa để nghe đồng chí Bộ trưởng bác cáo công việc và sau đó vào Phòng Khách lớn (phòng tiếp khách đối ngoại của Bộ trưởng hiện nay) nói chuyện thân mật với cán bộ ngoại giao. Ít ai biết rằng, Bác Hồ - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của chúng ta - ngay từ ngày ở chiến khu Việt Bắc đã chọn ngôi nhà này là trụ sở Bộ Ngoại giao. Khi đất nước thống nhất, trong lúc tiến hành quy hoạch lại khu Ba Đình, Hội đồng Bộ trưởng lúc đó do đồng chí Đỗ Mười làm Chủ tịch đã dự định lấy trụ sở Bộ Ngoại giao làm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bộ Ngoại giao đã báo cáo với đồng chí Đỗ Mười rằng trụ sở này là do Bác Hồ chọn từ trước. Đồng chí Đỗ Mười sau khi nghe đã kết luận: “Bác Hồ đã chọn thì không thay đổi được”.
           Bên cạnh đó, khu vườn Kính Thiên (góc phố Tôn Thất Đàm và Điện Biên Phủ) cũng đã được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao quản lý từ năm 1956. Lúc đầu, kinh phí cũng đã được cấp để xây nhà tập thể cho cán bộ nhân viên nhưng không phù hợp với vị trí đó. Sau năm 1975, Bộ Ngoại giao đã mời kiến trúc sư Việt kiều ở Pháp Võ Trọng Nghĩa thiết kế để mở rộng trụ sở Bộ với yêu cầu kiến trúc phải hài hòa với trụ sở số 1 Tôn Thất Đàm. Bản vẽ của kiến trúc sư Nghĩa rất đẹp nhưng quá cầu kỳ, quá tốn kém nên Bộ không thể xin kinh phí để xây dựng được. Việc mở rộng trụ sở Bộ Ngoại giao tắc lại cho đến cách đây ít năm Bộ Chính trị quyết định cho Bộ Ngoại giao xây trụ sở mới ở Mỹ Đình và trụ sở hiện nay của Bộ Ngoại giao sẽ chuyển cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sử dụng.
           Chưa biết bao giờ Bộ Ngoại giao chuyển về trụ sở mới nhưng đối với mọi thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trụ sở số 1 Tôn Thất Đàm đã như địa chỉ đỏ trong tâm khảm mọi người, là thánh địa, là nơi nuôi dưỡng nguyên khí ngoại giao đất nước để lúc nào cũng đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu của Tổ quốc, để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mở rộng quan hệ với các nước, góp phần đắc lực làm cho Việt Nam ngày càng hùng mạnh và có vai trò xứng đáng ở khu vực và quốc tế, đúng như lời ước mong của Bác.
           Những nuối tiếc rồi có thể sẽ nguôi ngoai nhưng dấu ấn về tòa nhà màu vàng lịch sử sẽ không bao giờ phai nhạt trong trí óc và trái tim của các nhà ngoại giao, dù đã nghỉ hưu hay còn làm việc, dù cho có đi khắp năm châu bốn bể. Sáu mươi năm qua, các thế hệ cán bộ ngoại giao đã gìn giữ ngôi nhà mà Bác Hồ giao cho như một báu vật, trân trọng từng viên gạch, viên ngói. Màu vôi vàng đậm, màu cửa nâu, các bậc cầu thang bằng gỗ lim vẫn vẹn nguyên như trường tồn với thời gian, như ý chí sắt son của các cán bộ ngoại giao luôn phấn đấu vì dân tộc và đất nước.
Hàng năm, cho đến năm nay và hy vọng thêm nhiều năm nữa, vào lúc giao thừa vợ chồng tôi đều đến số 1 Tôn Thất Đàm chụp ảnh và chúc Tết ngôi nhà. Đối với chúng tôi đó là điều rất linh thiêng, rất máu thịt, như về Nhà Tổ, về Từ đường của dòng họ. Lúc nào tôi cũng cảm thấy hơi thở và nhịp đập của tòa nhà trầm mặc, thân thương đó như hòa quyện với hơi thở và nhịp đập của ngoại giao Việt Nam đang vững vàng trong những vòng xoáy của thời cuộc quốc tế. Tôi tin các thế hệ ngoại giao Việt Nam vẫn luôn đau đáu phải làm một điều gì đó để ghi lại dấu ấn của Ngoại giao Việt Nam tại nơi linh thiêng này, để số 1 Tôn Thất Đàm mãi mãi là hồn thiêng, là chỗ dựa vững chắc cho ngoại giao Việt Nam vươn cao, vươn xa, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước, vào sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.
              Hà Nội, những ngày đầu thu, tháng 8/2014.


Kỷ niệm chuyến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao - 1, Tôn Thất Đàm, Hà Nội của Đoàn công tác công ty FOSCO


Các bài viết khác

Lượt xem: 2629